60.000đ
60.000đ
Tác giả sách: Nguyễn Vạn Phú
Nhà xuất bản sách: Nhà xuất bản trẻ
Số trang sách: 278
Kích thước sách: 13x20,5cm
Năm xuất bản sách: 11/2013
Giới thiệu:
Cuốn sách Nghịch lý toàn cầu hóa - Vàng và hai cô gái đi tìm câu trả lời cho câu hỏi toàn cầu hóa là tốt cho nền kinh tế? Toàn cầu hóa là có hại cho nền sản xuất còn non yếu của đất nước?.
Trước lúc Việt Nam gia nhập WTO, có thể nói toàn cầu hóa là một khái niệm thời thượng trong một thời gian dài, được phổ biến bởi các cuốn sách bán chạy như Thế giới phẳng, chiếc Lexus và cây ôliu của Thomas Friedman. Ai cũng rao giảng về toàn cầu hóa như một liều thuốc thần kỳ hứa hẹn chữa hết mọi căn bệnh của nhân loại.
Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã nổ ra vào năm 2008. Mọi giá trị được truyền bá bấy lâu bỗng chốc bị đảo ngược. Mặt trái của toàn cầu hóa, từng được phân tích trước đó nhưng ít thuyết phục được ai, nay bỗng bộc lộ rõ nét: lòng tham của giới tài chính, sự khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên bất kể ô nhiễm môi trường, việc chạy đua sản xuất hàng hóa để thỏa mãn nhu cầu được thổi phồng lên của người tiêu dùng - tất cả đã dẫn đến những loại bong bóng từ bất động sản đến tài sản tài chính. Và bỗng chốc không còn ai nhắc đến toàn cầu hóa với ý nghĩa như trước nữa.
Nhan đề cuốn sách Nghịch lý toàn cầu hóa - Vàng và hai cô gái xuất phát từ câu chuyện cô gái “tóc vàng hoe”, mang tính tự trào về thời cuộc kinh tế bấp bênh, khó đoán mà một nhà báo kỳ cựu (thư ký tòa soạn Thời báo kinh tế Sài Gòn) có dịp quan sát. Tác giả còn đào sâu vào những biến cố có xác suất thấp nhưng mang tính điển hình, từ đó đưa ra nhiều kiến giải bất ngờ và trái khoáy. Để ra thoát khỏi những nghịch lý, trước tiên cần phải có một nhãn quan hài hước.
Cuốn sách thuộc dòng sách quản trị- kinh doanh, được viết dưới dạng báo chí, các bài viết như một cuốn nhật ký ghi lại sự thăng trầm của toàn cầu hóa, sự trăn trở của con người khi cố gắng quay về các giá trị cũ và sự loay hoay đi tìm một mô hình phát triển mới bền vững hơn.
Nội dung sách đi tìm câu trả lời cho một câu hỏi đã kéo dài suốt cả chục năm nay, kể từ khi Việt Nam khởi động quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đến bây giờ, khi Việt Nam cũng đang ráo riết đàm phán để tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trong cuốn sách quản trị nổi tiếng này, tác giả nêu rằng: Nếu đơn giản hóa vấn đề, có thể thấy mô hình sản xuất xoay quanh một chữ V, dưới đáy là khâu sản xuất hay lắp ráp, ở hai đầu là các công đoạn "cao cấp" hơn như nghiên cứu, thiết kế hay tiếp thị, xây dựng thương hiệu.Toàn cầu hóa, với nhiều công ty đa quốc gia, là cố gắng đẩy các công đoạn nằm ở dưới đến các nước giá nhân công rẻ và giữ lại phần trên cho mình. Các nước cũng cố gắng trèo lên bậc thang giá trị để phát triển nhanh hơn. Vấn đề của toàn cầu hóa, vì vậy, chính là ở chỗ định giá một cách bất công các khâu sản xuất này, giá tiền công sản xuất lúc nào cũng thấp hơn nhiều lần, chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong một chiếc giày thời trang chẳng hạn. Toàn cầu hóa được xem là đem lại cơ hội cho mọi người nhưng giá trị của cơ hội đó hoàn toàn khác nhau trong khi sản xuất đi liền với ô nhiễm môi trường, tài nguyên cạn kiệt, xáo trộn xã hội vì các dòng chảy lao động.
Tác giả Nguyễn Vạn Phú hiện là Tổng thư ký tòa soạn Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Ông đã có hơn 20 năm làm báo, bắt đầu là tờ Vietnam Investment Review từ lúc tờ tuần báo tiếng Anh này được thành lập vào năm 1991. Sau đó ông chuyển sang làm cho nhóm báo Saigon Times, đầu tiên là thư ký tòa soạn tờ báo tiếng Anh hàng ngày là tờ Saigon Times Daily, rồi làm thư ký tòa soạn và tổng thư ký tòa soạn tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Ông cũng từng giữ chuyên mục Business Beat trên tờ Vietnam News trong vòng 10 năm.
Vui lòng đăng nhập để gửi đánh giá