40.000đ
40.000đ
Huy Cận thơ và đời
Nhà xuất bản: Văn học
Tác giả: Nhóm Trí Thức Việt
Năm xuất bản:
Số trang: 250
Khổ sách:
Dạng bìa: Bìa mềm
Giới thiệu sách:
Thơ Huy Cận buồn, căn bệnh tinh thần của một thế hệ không dễ gì đổi thay, nhưng nỗi buồn của “Lửa thiêng” không mang nhiều tính riêng tư, không gắn với dục vọng, đam mê để rồi chán chường, tuyệt vọng. Vẫn có một mạch tình cảm trong trẻo thiết tha, gắn bó ân cần với cuộc sống và nói như cách nói của tác giả sau này, đó là tâm trạng “yêu đời nên đau đời”. Trước những thay đổi, tàn lụi, đau khổ và chua chát của cuộc đời, những thú vui đam mê vật chất dễ quyến rũ thi nhân, Huy Cận vẫn giữ được niềm tin và lòng yêu cuộc sống, tuy lời nói và hình ảnh trong thơ không khỏi nhiều lúc chìm trong thế giới đau buồn...(Trích “Ngọn lửa thiêng trong đời và trong thơ”)
“Huy Cận thơ và đời” có bố cục gồm 2 phần:
Phần 1. Tác phẩm: giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Huy Cận. Những bài thơ mang đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật của Huy Cận, những áng thơ hay đích thực đã làm say đắm lòng bao thế hệ người đọc.
Phần 2. Về tác phẩm và tác giả: những bài viết về cuộc đời nhà thơ Huy Cận và những bài viết khai thác nét đẹp, nét độc đáo trong các tác phẩm của ông.
Huy Cận- những dòng thơ thắm thiết về quê hương:
Huy Cận có nhiều dòng thơ thắm thiết viết về đồng đất quê hương Việt Nam, về cái xứ sở sống bằng nghề trồng lúa ... với sự hiện diện của người nông dân mà mỗi khi đọc đến chúng ta lại thấy lòng rưng rưng xúc động.
Huy Cận tha thiết gắn bó với thiên nhiên đất nước Việt Nam, tâm hồn ông vươn lên những khoảng rộng xa vũ trụ nhưng tấm lòng nặng trĩu với đời. Hành trình thơ ca của Huy Cận đi từ "Trời mỗi ngày lại sáng" đến "Đất nở hoa", từ "Bài thơ cuộc đời" đến "Ngôi nhà giữa nắng", rồi từ "Hạt lại gieo" đến "Ta về với biển", lúc nào tâm hồn ông cũng chịu sức hấp dẫn của hai cực: vũ trụ và cuộc đời. Sức hấp dẫn ấy đã góp phần tạo nên một cá tính nghệ thuật độc đáo của Huy Cận trong vườn thơ dân tộc.
Thơ Huy Cận kết hợp hài hoà giữa hai nền văn hoá Đông - Tây, vừa có sức sống mạnh mẽ của truyền thống vừa mang hơi thở của thời đại. Ông tiếp nhận ảnh hưởng văn hoá phương Tây từ những ngày học ở Huế và qua sách báo đương thời nhưng cái gốc sâu xa làm nên gương mặt thơ Huy Cận là tiếng thơ dân tộc. Huy Cận yêu thiết tha tiếng nói dân tộc và luôn luôn có ý thức về nguồn mạch thơ ca mà mình tận hưởng.
Tình yêu đất nước, tình yêu thiên nhiên, tình yêu văn hoá dân tộc đã nâng cánh thơ ông và nhờ thế ông gặp gỡ vẻ đẹp nhân bản của thơ ca nhân loại. Khi thơ ông đạt tầm cao dân tộc cũng là khi những thi phẩm ấy trở thành tài sản nhân loại.
Về tác giả:
Huy Cận (1919 – 2005), tên khai sinh là Cù Huy Cận; là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào Thơ mới. Ông là bạn tâm giao của Xuân Diệu, một nhà thơ nổi tiếng khác của Việt Nam.
Ông được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ thế giới minh chứng cho một tài năng văn chương đáng được tôn vinh.
Huy Cận sinh ra và gắn bó tuổi thơ với vùng quê Ân Phú, cạnh dòng sông La, nằm ở chân núi Mồng Gà, cảnh núi sông đẹp nhưng vắng vẻ hiu hắt. Huy Cận đã từng tâm sự:
"Tôi sinh ra ở miền sơn cước
Có núi làm xương cốt tháng ngày
Đất bãi tơi làm ra thịt mát
Gió sông như những mảng hồn bay…"
(Tôi nằm nghe đất)