31.000đ
31.000đ
Nghệ thuật tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng
Nhà xuất bản: NXB Thông tin - Truyền thông
Tác giả: TS. Đinh Lựu
Năm xuất bản: 2010
Số trang: 280 trang
Khổ sách: 14.5 x 20.5 cm
Dạng bìa: Bìa mềm
Giới thiệu sách:
“ Cạm bậy người tạo hóa khéo giăng chi, qua giông tố làm nên số đỏ
Số độc đắc văn chương trúng thế, nỡ dứt tình không một tiếng vang”
Vũ Trọng Phụng là một trường hợp đặc biệt, nếu không muốn nói là đặc biệt nhất trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Vậy là, “nhà văn trẻ” mà vỏn vẹn sự nghiệp chỉ dừng lại ở tuổi 27 ấy (1912 - 1939) đã vĩnh biệt chúng ta được 74 năm, một khoảng thời gian có lẽ đủ để làm lắng đọng, kết tủa hay chiêu tuyết cho những giá trị từng bị xem là bấp bênh. Nhưng lạ thay, dường như những tranh luận về ông vẫn chưa thôi sôi nổi, và có vẻ lại câu chuyện lại càng trở nên thú vị hơn theo năm tháng. Hãy cùng nhau nghiền ngậm lại nghệ thuật văn chương của ông ấy thêm một lần nữa qua cuốn sách Nghệ thuật tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng.
Vũ Trọng Phụng (20/10/1912 - 18/10/1939) là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX. Tuy thời gian cầm bút không lâu, song khối lượng tác phẩm Vũ Trọng Phụng để lại khá lớn, có giá trị: hơn 30 truyện ngắn, 9 cuốn tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch... cùng rất nhiều những bài báo, bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí đương thời. Tác phẩm của ông là tấm gương phản ánh chân thực bức tranh cuộc sống. Nó có giá trị như một nhân chứng, vật chứng của thời đại, là bản cáo trạng đối với chế độ thực dân nửa phong kiến, là lời kêu gọi thống thiết phẩm giá, tự do, một cuộc sống xứng đáng không chỉ cho một thời mà cho mọi thời.
Là một nhà văn hiện thực, Vũ Trọng Phụng luôn quan tâm sâu sắc đến môi trường, luôn nhìn môi trường như là cơ sở để giải thích tính cách nên ông rất chú ý xây dựng những tình huống trào phúng làm nền cho nhân vật hài xuất hiện. Có thể làm bảng phân loại các tình huống trào phúng khá tiêu biểu Vũ Trọng Phụng trong "Số đỏ" như sau: Tình huống ngẫu nhiên (rủi hoá may, may hoá rủi), tình huống lật tẩy tính chất vô nghĩa lý của nhân vật tình huống "Chiếu tướng" nhân vật một cách đột ngột, tình huống hiểu lầm (ông nói gà, bà nói vịt).
Hai mươi bảy tuổi, Vũ Trọng Phụng đã từ giã cõi đời, để lại bao buồn đau, thương tiếc. Bàn luận về cái chết của ông, Ngô Tất Tố cho rằng, đối với con người ta thọ yểu không tính bằng tuổi tác mà tính bằng những gì để lại mãi cho đời. Nếu quan niệm như vậy thì Vũ Trọng Phụng là người rất thọ. Các tác phẩm của ông, đặc biệt là "Số đỏ" vẫn sống mãi với đời. Cái hay và sự hấp dẫn của nó phụ thuộc nhiều vào nghệ thuật trần thuật của nhà văn.
Vũ Trọng Phụng có những đóng góp to lớn cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam ở rất nhiều thể loại: phóng sự, truyện ngắn, kịch, phê bình... nhưng có thể nói, ở thể loại tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng có những thành công nổi bật hơn cả. Những đóng góp của Vũ Trọng Phụng vào quá trình hình thành và phát triển của tiểu thuyết Việt Nam vừa mang tính khai mở, vừa khẳng định tính hiện đại của thể loại này.
Các công trình nghiên cứu về tác giả, tác phẩm của Vũ Trọng Phụng nói chung và nghiên cứu về nghệ thuật tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng nói riêng cho đến nay là tương đối nhiều. Song mỗi nhà nghiên cứu lại có cách đánh giá riêng, dưới những góc nhìn riêng. Với “Nghệ thuật tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng”, TS. Đinh Lựu đã cung cấp cho bạn đọc một bức tranh khá toàn diện về nghệ thuật tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng: tác giả đã đi từ bối cảnh ra đời của văn chương Vũ Trọng Phụng đến những tư tưởng, quan niệm, mô hình tiểu thuyết của nhà văn. Từ cái nền chung đó, tác giả đi sâu phân tích những phương diện nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng như: cách xây dựng cốt truyện, tình tiết, xây dựng nhân vật, ngôn ngữ... Và để chứng minh cho mỗi luận điểm của mình tác giả đều có những dẫn chứng rất cụ thể, sinh động.
Cuốn sách gồm 4 chương:
Chương I: Vũ Trọng Phụng, nhà tiểu thuyết. Tư tưởng nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật, mô hình tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng;
Chương II: Nghệ thuật xây dựng cốt truyện, tình tiết trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng;
Chương III: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng;
Chương IV: Ngôn ngữ nghệ thuật trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng.
Ngoài ra, còn có phụ lục để bạn đọc tham khảo thêm về cách sử dụng điệp ngữ - một biện pháp tu từ đặc sắc trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng.
Bằng giọng văn giản dị sâu sắc, tác giả Đinh Lựu một lần nữa đã cho người đọc hiểu thêm về bậc thầy nghệ thuật trào phúng của Việt Nam. Cuốn sách sẽ là mang đến cho những ai yêu nghê thuật văn chương Vũ Trọng Phụng những kiến thức bổ ích và thực tế!