32.000đ
32.000đ
Tục ma chay cưới hỏi
Nhà xuất bản: Thời Đại
Tác giả: Ngô Bạch
Năm xuất bản: 01/2011
Số trang: 200
Khổ sách: 16x24cm
Dạng bìa: Bìa Mềm
Giới thiệu sách:
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc (gồm có 54 dân tộc), mỗi dân tộc có những nét văn hóa truyền thống riêng được truyền từ đời này sang đời khác tạo nên một bức tranh văn hóa phong phú đa dạng. Những nét văn hóa truyền thống ấy gắn liền với lịch sử của tộc ngườì. Trên địa bàn cư trú và hoàn cảnh sống nhất định. Tập tục ma chay cưới xin là những nét văn hóa đặc sắc truyền thống của dân tộc. Từ xa xưa người Việt Nam ta đã rất coi trọng việc dựng vợ gả chồng, thờ cúng tổ tiên. Đó là những việc hệ trọng nhất của đời người
Nghi lễ ở mỗi nơi lại có điểm khác biệt nhưng người dân Việt cơ bản đều được truyền dạy, giữ gìn rất nghiêm những nghi lễ, phong tục từ việc: tang ma, cưới hỏi cho đến việc thờ cúng tổ tiên, bày biện đồ lễ trong những ngày giỗ Chạp. Vì một đời người đều phải trải qua những việc hệ trọng, ai cũng phải thực hiện, như: chôn cất người thân, đặt bàn thờ gia tiên, giỗ Chạp, lễ Tết, lấy vợ, lấy chồng, xây nhà, mừng thọ... Những nghi lễ ấy có ý nghĩa thiêng liêng trong việc củng cố mối quan hệ gia đình, dòng tộc tạo nên truyền thống văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc. Duy trì được những nghi lễ, phong tục truyền thống sẽ lưu giữ được những giá trị nhân văn sâu sắc. Để hiểu thêm về điều này chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu qua cuốn sách Tục ma chay cưới hỏi
Nếu nghi lễ của mỗi dân tộc được coi là một di sản văn hóa phi vật thể của mỗi quốc gia được lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ cá nhân này sang cá nhân khác, thì phong tục là toàn bộ những hoạt động sống của con người được hình thành trong quá trình lịch sử và ổn định thành nề nếp được thực hiện vào khoảng thời gian quy định. Phong tục được cộng đồng thừa nhận, được lưu truyền qua các thế hệ. Phong tục không mang tính cố định, bắt buộc như nghi thức, nghi lễ, những cũng không tùy tiện như hoạt động sống thường ngày. Nó trở thành một tập quán xã hội bền vững và thống nhất. Phong tục có thể ở một dân tộc, địa phương tầng lớp xã hội hay thậm chí một dòng họ, gia tộc. Phong tục là một bộ phận của văn hóa và có thể chia thành nhiều loại, nó liên quan đến vòng đời của con người, như phong tục về: sinh đẻ, trưởng thành, cưới xin, mừng thọ... Mỗi quốc gia dân tộc có phong tục tập quán của riêng mình được gìn giữ qua các thế hệ. Có phong tục vẫn tồn tại theo thời gian trong cái huyền bí nhưng có những ý nghĩa thực tế.
Cuốn Tục ma chay cưới hỏi sẽ hiểu sâu hơn những nghi lễ, phong tục trong truyền thống của người Việt từ việc chuẩn bị một đám cưới như thế nào? Nghi thức trong đám tang, nghi thức đạo hiếu đến những phong tục xã hội, phong tục của các dân tộc giàu giá trị văn hóa. Đồng thời, cuốn sách góp phần bổ sung kiến thức về những truyền thống đẹp của dân tộc cho thế hệ sau hiểu rõ hơn về việc hình thành, thực hiện và duy trì những nghi thức của thế hệ trước. Vì những nghi lễ, phong tục này vừa thể hiện được truyền thống, vừa có những điểm vận dụng sáng tạo phù hợp được với cuộc sống hiện đại.