71.000đ
71.000đ
Tôi tự hào là người Việt Nam
Nhà xuất bản: Công an nhân dân
Tác giả: Nguyễn Mạnh Hùng (chủ biên)
Năm xuất bản: 2014
Số trang: 396
Khổ sách: 14.5 x 20.5cm
Dạng bìa: Bìa mềm
Giới thiệu sách:
“Bạn có tự hào là người Việt Nam không?" là câu hỏi tựa đề bài của "giáo sư xoay" Đinh Tiến Dũng trong cuốn sách này. Ba mươi ba bài viết của những người Việt trong và ngoài nước, nam và nữ, đủ lứa tuổi và ngành nghề đã trả lời "Có" theo những cách nhìn khác nhau. Cuốn sách Tôi tự hào là người Việt Nam tập hợp 33 bài viết của những người Việt trong và ngoài nước, nam và nữ, ở đủ lứa tuổi, ngành nghề khác nhau. Mỗi trang viết ở nhiều lĩnh vực, đưa ra những góc nhìn riêng với văn phong khác biệt, nhưng đều có điểm chung, trực tiếp hay gián tiếp khẳng định lòng tự hào khi là người Việt.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP HCM, Cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội - cho biết, khi nhận câu hỏi của Đinh Tiến Dũng về việc có tự hào là người Việt không, bà trả lời "có". Nhưng bên cạnh đó, bà có nhiều trăn trở: "Khi chưa được tiếp cận nội dung cụ thể các bài viết trong sách, tôi có phần ngần ngại cuốn sách sẽ là một thông điệp toàn màu hồng, một dịp vỗ ngực tự cao tự đại". Nhưng khi đọc các bài viết, bà nhận xét: "Tôi thật sự mừng là anh Phạm Phú Ngọc Trai đã nhắc lại sự thật khách quan rằng 'Người Việt Nam cũng như bất cứ người nước nào trên thế giới, đều có cái hay lẫn cái dở'; đặt biệt, tôi tâm đắc với lời nhắn nhủ của anh Đinh Tiến Dũng về 'chó sói tốt' và 'chó sói xấu' trong mỗi chúng ta cũng như kết luận nên sống thế nào để có thể tự hào về bản thân mình, ấy cũng là lúc ta đã tự hào là người Việt Nam".
Cái nhìn xuyên thời gian: nhà sử học Dương Trung Quốc nhắc để chúng ta nhớ "cái bất biến thì phải giữ, lòng tự trọng dân tộc, sự đoàn kết nhất trí", còn vị tướng Nguyễn Huy Hiệu tâm niệm câu bất hủ của Nguyễn Trãi: "lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo".
Cái nhìn tổng thể và thấu đáo: nhà phân tích Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định "Bản sắc là hành trang", "bản sắc của chúng ta bất diệt thì chúng ta cũng ngàn đời bất diệt"; doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai cho chúng ta một cảm nhận con người Việt Nam trong con mắt người nước ngoài tạo nên " sức mạnh mềm" của Việt Nam; còn nhà kỹ trị Nguyễn Hữu Thái Hòa thì trăn trở về định vị và thương hiệu Việt Nam trong thế kỷ 21 nhưng đặt "niềm tin chiến lược vào các giá trị và các cơ hội lớn của Việt Nam".
Cái nhìn xuyên biên giới ra cộng đồng người Việt ở nước ngoài của doanh nhân "Việt kiều" Alan Phan đặt niềm tin vào khả năng vượt khó và ý chí vươn lên mãnh liệt của con người Việt Nam tha phương, từ Dương Thị Gấm ở Hoa Kỳ đến những cô gái buôn hàng lẻ ở Nga.
Với số lượng bản in lần đầu 10.000 bản, cuốn sách "Tôi tự hào là người Việt Nam" được xem như một dự án quan trọng của đơn vị phát hành, với mong muốn tập hợp tiếng nói của một đội ngũ trí thức, doanh nhân thành đạt là người Việt Nam. Tuyển tập 33 bài viết với độ dày gần 400 trang không chuyên chở một hàm lượng chất xám và thông tin lớn như kì vọng, chất lượng của những bài viết cũng có sự chênh lệch đáng kể. Một số khá đơn giản - dường như được viết do đặt hàng về đề tài "Tự hào là người Việt Nam", một số khai thác các bài viết cũ trên báo chí. Không phải là tập hợp thực sự tầm vóc của giới tinh hoa Việt, nhưng dưới một góc nhìn khác giản dị hơn, có thể xem đó là tâm tư cảm xúc của những con người đã có vị trí và thành đạt trong xã hội chia sẻ về cảm xúc là một người Việt Nam, có niềm tin với Việt Nam và tự hào về Việt Nam.
"Tự hào là người Việt Nam có khó không?". Câu hỏi này đã được tác giả Đinh Tiến Dũng lý giải một phần trong bài viết của mình: “Sống thế nào để tự hào về bản thân mình thì đó cũng chính là lúc chúng ta tự hào là người Việt Nam”.