17.000đ
17.000đ
Truyện Kiều - Nguyễn Du
Nhà xuất bản: Văn học
Tác giả: Nguyễn Du
Năm xuất bản: 2014
Số trang: 139
Khổ sách: 10 x 16cm
Dạng bìa: Bìa mềm
Giới thiệu sách:
Nguyễn Du (1766-1820) hiệu là Tố Như, Thanh Hiên, con Nguyễn Nghiễm, làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Nghệ Tĩnh) văn chương vượt hẳn bạn bè, nhưng học vị chỉ là Tam trường (tú tài). Nguyễn Du gặp nhiều khó khăn hồi còn nhỏ. Mười một tuổi mồ côi cha, mười ba tuổi mất mẹ, suốt đời trai trẻ ăn nhờ ở đậu: hoặc ở nhà anh ruột (Nguyễn Khản), nhà anh vợ (Đoàn Nguyễn Tuấn), có lúc làm con nuôi một võ quan họ Hà, và nhận chức nhỏ: Chánh thủ hiệu úy. Do tình hình đất nước biến động, chính quyền Lê Trình sụp đổ, Tây Sơn quét sạch giặc Thanh, họ Nguyễn Tiên Điền cũng sa sút tiêu điều: "Hồng Linh vô gia, huynh đệ tán". Nguyễn Du trải qua 10 năm gió bụi. Năm 1802, ra làm quan với triều Nguyễn được thăng thưởng rất nhanh, từ Tri huyện lên đến Tham tri (1815), có được cử làm chánh sứ sang Tàu (1813). Ông mất vì bệnh thời khí (dịch tả), không trối trăng gì, đúng vào lúc sắp sửa làm Chánh sứ sang nhà Thanh lần thứ hai.
Nguyễn Du để lại cho hậu thế vốn liếng văn chương gồm ba tập thơ chữ Hán với 249 bài: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục; và những sáng tác bằng chữ Nôm tiêu biểu: Văn tế thập loại chúng sinh (Văn chiêu hồn), Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu, Thác lời trai Phường Nón và Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh). Toàn bộ các tác phẩm của Nguyễn Du đều chứa chan tình yêu thương đối với con người, đặc biệt là người phụ nữ.
Truyện Kiều được Nguyễn Du sáng tác dựa trên cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân – một tiểu thuyết chương hồi bằng văn xuôi của Trung Quốc. Khi sáng tác, Nguyễn Du đặt tên tác phẩm là Đoạn trường tân thanh với ý nghĩa: tác phẩm là tiếng nói mới về một nỗi đau đứt ruột. Tuy bám sát Kim Vân Kiều truyện từ cốt truyện cho đến những nhân vật, những tình tiết, những biễn nhưng Nguyễn Du đã tạo nên cái đặc sắc, khác biệt cho Truyện Kiều của mình bằng tài hoa của một thiên tài ngôn ngữ; tái tạo, bổ sung và làm mới Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân bằng thể thơ lục bát của dân tộc Việt Nam. Nguyễn Du thêm bớt vào cốt truyện cũ, nền của bức tranh cũ độ đậm nhạt, sáng tối khác biệt, tạo ra một thế giới nhân vật vừa đa dạng, rõ nét, vừa mới mẻ đến ngỡ ngàng. Tài năng khắc hoạ tính cách nhân vât, nghệ thuật dẫn truyện, sự tinh tế trong ngôn ngữ văn chương của nghệ sĩ thiên tài Nguyễn Du đã nâng thể loại truyện thơ Nôm Việt Nam lên đỉnh cao chói lọi trong văn đàn thi ca trung đại. Truyện Kiều – tiếng nói mới về một nỗi đau đứt ruột cho người đọc thấy những suy tư, trăn trở, cảm thông, chia sẻ của Nguyễn Du về số phận con người và cuộc đời. Vì thế, Truyện Kiều của Nguyễn Du có sức sống mãnh liệt và chiều sâu trí tuệ mà nguyên tác của Thanh Tâm Tài Nhân không thể có được.
Với 3.254 câu thơ lục bát, Truyện Kiều là câu chuyện kể về người con gái bất hạnh Vương Thuý Kiều. Tuy xuất thân trong một gia đình bình thường nhưng Vương Thuý Kiều lại vừa có tài, vừa có sắc. Lớn lên, nàng yêu chàng trai Kim Trọng hào hoa, phong nhã. Tai hoạ bất ngờ ập tới: cha và em trai bị bắt, bị đánh đập, nhà cửa bị cướp sạch sẽ, tan hoang. Để cứu gia đình khỏi cơn nguy khốn, Thuý Kiều, không còn cách nào khác, phải bán mình lấy tiền chuộc cha và em. Từ đó, cuộc đời Thuý Kiều trải qua bao gian truân, tai hoạ. Thuý Kiều bị lừa phải hai lần làm kĩ nữ ở nhà chứa, rồi làm lẽ, đi ở, đi tu… bất hạnh nối bất hạnh, có lúc dồn bức nàng phải tìm tới cái chết…
Truyện Kiều là câu chuyện đời thê lương, bất hạnh về số mệnh của người con gái nhà lành có tài, có sắc trong xã hội phong kiến. Dưới ngòi bút Nguyễn Du, số mệnh của người con gái bất hạnh có sức lan toả và tạo xúc động sâu sắc. Qua nhân vật Thuý Kiều, Nguyễn Du khái quát lên số mệnh của con người nói chung trong xã hội phong kiến bất công, tàn bạo. Hoài Thanh, nhà nghiên cứu và phê bình văn học đã từng cho rằng vấn đề đặt ra trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là vấn đề về quyền sống của con người trong xã hội phong kiến. Nhà thơ Chế Lan Viên cũng đã từng kết nối cuộc đời nàng Kiều với “cuộc đời dân tộc”:
Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc
Sắc tài sao mà lại lắm truân chuyên…
Truyện Kiều của Nguyễn Du đã cắt nghĩa những bất hạnh của Thuý Kiều bằng thuyết tài mệnh tương đố của Nho học truyền thống. Nguyễn Du lí giải mọi bất hạnh của Thuý Kiều đều bởi mâu thuẫn giữa tài và mệnh mà ra. Vì Thuý Kiều nhiều tài nên số phận của Thuý Kiều không tránh được bất hạnh dồn gối bất hạnh. Nguyễn Du muốn hoá giải mâu thuẫn ấy cho Kiều bằng chữ tâm. Nguyễn Du cho rằng con người phải thực hiện được chữ tâm, phải “tu tâm”. Truyện Kiều đã được mở đầu bằng hai câu thơ:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau.
để rồi khép lại trong phần kết tác phẩm với câu:
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Cắt nghĩa cuộc đời Thuý Kiều bằng thuyết tài mệnh tương đố, tái hiện lại cuộc sống xã hội phong kiến một cách trung thực vào tác phẩm, ngòi bút thiên tài của Nguyễn Du đạt đến ý nghĩa hiện thực, ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Mời bạn đón đọc!